;

Ho sổ mũi

25-09-2024

Ho sổ mũi do đâu? Cách điều trị triệu chứng ho, sổ mũi

Ho, sổ mũi là triệu chứng dễ dàng bắt gặp ở ngay chính bản thân chúng ta và người xung quanh. Một vài tiếng ho hay nước mũi chảy trong có thể không khiến bạn bận tâm, nhưng khi triệu chứng này kéo dài, hãy cẩn thận với nó. Vậy ho sổ mũi do đâu? Điều trị triệu chứng ho, sổ mũi như thế nào?

1. Ho, sổ mũi là gì?

Ho là cách mà cơ thể chúng ta loại bỏ chất kích thích. Khi có một thứ gì đó kích thích vào cổ họng và đường thở, hệ thống thần kinh sẽ gửi cảnh báo đến não bộ. Bộ não sẽ phản ứng bằng cách yêu cầu các cơ ở ngực, bụng co lại và đẩy luồng thông khí ra ngoài

Ho sổ mũi do đâu? Cách điều trị triệu chứng ho, sổ mũi

Sổ mũi là tình trạng nước mũi chảy ra quá mức. Nó có thể là chất lỏng trong suốt loãng hoặc chất nhầy đặc, vàng. Khi bụi bẩn, tác nhân lạ đi vào đường mũi sẽ bị cản lại bằng hệ thống lông mũi, đồng thời niêm mạc mũi có những tuyến tiết chất nhầy để giữ lại bụi bẩn là đưa chúng ra ngoài qua dịch chảy ra. Dịch mũi có thể chảy ra ngoài hoặc chảy xuống họng kích thích ho, nôn trớ.

Như vậy, ho và sổ mũi là một phản xạ phòng vệ quan trong, giúp bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các chất gây kích thích như: Chất nhầy, khói, chất gây dị ứng như bụi, nấm mốc và phấn hoa.

2. Nguyên nhân gây ho, sổ mũi

Triệu chứng ho, sổ mũi thường xuất hiện đồng thời trong các bệnh lý sau:

2.1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được gọi là bệnh “quốc dân” bởi tình hình khói bụi gây ô nhiễm không khí hiện nay. Ở người bị viêm mũi dị ứng, các triệu chứng của bệnh bao gồm: Ngứa mũi có thể kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng, hắt hơi thường thành từng tràng dài liên tục, chảy nước mũi, ho khan, nghẹt mũi.

Người bị viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện ho, sổ mũi do tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, mùi thức ăn, lông chó mèo, do tâm lý. Bệnh thường liên quan đến các bệnh dị ứng khác như hen, chàm da….

2.2. Cảm lạnh (Viêm mũi cấp)

Cảm lạnh hay còn gọi là viêm mũi cấp, bệnh biểu hiện với triệu chứng chảy nước mũi kèm ho và có thể sốt nhẹ. Bệnh có thể xảy ra quanh năm đặc biệt là thời điểm giao mùa, nguyên nhân phổ biến của cảm lạnh là do virus. Thông thường sau 1 tuần, bệnh sẽ thuyên giảm. Ở trẻ em, tần suất bị cảm lạnh cao hơn người lớn. Cần biết rằng, nước mũi chuyển sang màu xanh vàng, đặc có thể không phải là biểu hiện của bội nhiễm.

Cảm lạnh nếu kéo dài đưa đến các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc khởi phát cơn hen phế quản cấp.

2.3. Cúm

Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra và rất dễ lây lan. Đây là một bệnh diễn tiến cấp tính nhưng thường tự giới hạn. Cúm có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ nhẹ với biểu hiện sốt đến cúm điển hình, nếu nặng thì suy kiệt, thậm chí tử vong.

Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh sẽ sốt cao đột ngột, kèm rét run hay ớn lạnh. Mệt mỏi, chán ăn, đau cơ khớp, sổ mũi, đau họng và ho khan cũng là triệu chứng của bệnh. Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh sẽ sốt cao liên tục, mệt mỏi chán ăn, đau cơ khớp kèm với tổn thương thanh – khí – phế quản. Tuy nhiên sốt ở cúm kéo dài 2 -5 ngày rồi giảm đột ngột và phần lớn bệnh tự hồi phục sau 1 tuần.

Biến chứng của cúm thường gặp là viêm phổi thứ phát do vi khuẩn. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong của bệnh cúm, thường xảy ra trên cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai, có bệnh lý mạn tính.

2.4. Đồ ăn cay

Thức ăn cay cũng có thể gây chảy nước mũi do một dạng viêm mũi không dị ứng gây ra. Điều này không phải do histamin hoặc chất gây dị ứng gây ra, mà là sự kích thích quá mức của các dây thần kinh trong xoang khi bạn ăn hoặc hít phải thứ gì đó cay.

Màng nhầy nhầm lẫn gia vị với chất gây kích ứng và chuyển sang chế độ bảo vệ, kích hoạt đường mũi của bạn sản xuất thêm chất nhầy để loại bỏ chất gây kích ứng. Đây là một phản ứng tạm thời và sổ mũi sẽ ngừng ngay sau khi ăn. Đồng thời vị cay cũng kích thích các dây thần kinh ở ngã hầu họng gây nên phản xạ ho khan, cổ họng nóng rát. Giảm bớt gia vị cay trong thức ăn giúp giúp ngăn chặn phản ứng này.

2.5. Khói thuốc

Khói thuốc cũng là một chất kích thích cũng có thể kích hoạt màng nhầy của bạn sản xuất thêm chất nhờn. Bạn có thể bị ho, sổ mũi nếu ở gần những người hút thuốc hoặc ở trong một căn phòng đầy khói thuốc (hút thuốc lá thụ động). Trong hầu hết các trường hợp, việc rời khỏi khu vực có khói thuốc giúp cải thiện ho, sổ mũi rõ rệt.

2.6. Mang thai

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng có thể dẫn đến dư thừa chất nhờn và gây chảy nước mũi. Người ta ước tính rằng viêm mũi không dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 20% ​​phụ nữ mang thai. Trên thực tế, ho và sổ mũi là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ khi mang thai. Tuy nhiên nếu kèm theo sốt, bà mẹ cần phải cần trọng vì có thể biểu hiện của viêm nhiễm, gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Chảy nước mũi có thể phát hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, tuy nhiên các triệu chứng thường biến mất sau khi sinh. Kê gối nâng đầu cao khoảng 30 độ và tập thể dục vừa phải có thể giúp cải thiện các triệu chứng về mũi.

Thủ phạm ho sổ mũi phổ biến là cảm lạnh và dị ứng, nhưng nó cũng có thể xảy ra với các vấn đề cơ bản khác. Ho, sổ mũi thường tự hết khi tự chăm sóc. Tuy nhiên, hãy đi khám bác sĩ nếu nước mũi có màu vàng hoặc xanh lá cây hoặc kèm theo đau, sốt.

3. Cách điều trị ho, sổ mũi

Tùy từng nguyên nhân và triệu chứng phối hợp, ho sổ mũi sẽ có dùng thuốc cụ thể. Sau đây là một số phương thức giảm ho, sổ mũi đơn thuần để dự phòng hoặc khi đang điều trị bằng thuốc

3.1. Nước uống

Chất lỏng giúp làm loãng chất nhầy trong mũi và cổ họng của bạn. Chất lỏng ấm, chẳng hạn như nước, trà hoặc nước trái cây, có thể làm dịu cổ họng giúp giảm ho, rát họng. Uống đủ nước cũng làm chất nhầy trong các xoang loãng ra không bị đặc quánh lại nên dễ dàng tống ra ngoài.

Các đồ uống nóng như trà hữu ích hơn đồ uống lạnh vì nhờ vào nhiệt và hơi nước, đường thở được mở ra và thông thoáng hơn. Đặc biệt các loại trà thảo mộc có có thêm khả năng chống viêm, kháng histamin chẳng hạn như trà hoa cúc, gừng, bạc hà… Một mẹo nhỏ khi sử dụng đó là pha 1 tách trà thảo mộc nóng và  hít hơi nước trước khi uống.

3.2. Xông hơi mặt

Phương pháp này khá hiệu quả với những người bị cảm lạnh thông thường. Cách thực hiện như sau: Đun nóng nước sạch trong một chiếc nồi sạch trên bếp. Đun nóng vừa đủ để tạo ra hơi nước – không để sôi. Đặt khuôn mặt của bạn trên mặt hơi nước trong 20 đến 30 phút mỗi lần, hít thở sâu bằng mũi. Hãy nghỉ giải lao nếu da mặt bạn quá nóng. Xì mũi ngay sau đó để loại bỏ chất nhầy.

Nếu muốn, hãy thêm một vài giọt tinh dầu thông mũi vào nước xông hơi mặt.  Dầu khuynh diệp, bạc hà, thông, hương thảo, xô thơm, bạc hà, tràm trà và cỏ xạ hương là những lựa chọn tuyệt vời. Các hợp chất trong những loại cây này (như tinh dầu bạc hà và thymol) cũng được tìm thấy trong nhiều loại thuốc thông mũi không kê đơn.

3.3. Ngậm thuốc ho hoặc kẹo cứng

Các loại kẹo ngậm, thuốc ho có thể làm dịu cơn ho khan và làm dịu cổ họng bị kích thích.

3.4. Cân nhắc dùng mật ong

Mật ong giúp làm dịu cơn ho. Tuy nhiên cần lưu ý không sử dụng mật ong cho  trẻ dưới 1 tuổi vì mật ong có thể chứa vi khuẩn có hại cho trẻ sơ sinh. Uống 1 thìa mật ong với nước ấm vào buổi sáng cũng rất tốt cho sức khỏe.

3.5. Vệ sinh mũi

Cách thức vệ sinh mũi có sự khác nhau giữa người lớn và trẻ em. Đối với người lớn, cần xịt mũi để loại bỏ chất nhầy sau đó rửa mũi lại bằng nước ấm. Đối với trẻ em, việc vệ sinh mũi nên có dụng cụ hỗ trợ ống hút rửa mũi, bóng bóp, bình xịt rửa mũi.

Lưu ý rằng dùng giấy cuộn thấm vào mũi cho trẻ không loại bỏ được hoàn toàn chất nhầy. Dung dịch vệ sinh mũi không nên là nước lạnh vì sẽ khiến các mao mạch ở mũi co lại, khiến co mạch vòi tai làm tăng khả năng viêm tai giữa. Không xịt hướng về thành mũi vì vòi nước xịt ra có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, gây chảy máu cam.

3.6. Tránh khói thuốc lá

Hút thuốc hoặc hít thở khói thuốc gây kích ứng phổi của bạn và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho do các yếu tố khác gây ra. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các chương trình và sản phẩm có thể giúp bạn bỏ thuốc lá.

Các biện pháp trên chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu của ho sổ mũi, không điều trị được hoàn toàn. Bạn nên tìm đến cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được điều trị và tư vấn cụ thể. Đặc biệt là khi bạn ho, sổ mũi kéo dài khiến bạn quá mệt mỏi, đau cơ hoặc sốt.

Tin tức khác

Ho khan

1. Ho khan là gì? Nguyên nhân dẫn đến ho khan? Ho khan là hiện tượng cơn ho không bật được đờm hay dịch đường hô hấp ra khỏi đường thở. Ho khan có nhiều mức độ, có thể ho ít hoặc ho nhiều, đôi khi ho rũ rượi khiến người bệnh rất khó chịu. Việc tìm hiểu căn nguyên của ho…

Ho có đờm

Ho có đờm là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau ở trẻ em cũng như người lớn. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân mệt mỏi và khó chịu. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số cách trị ho có đờm tại nhà hiệu quả. 1. Nguyên nhân ho…

Bà bầu bị ho

Mẹ bầu bị ho khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi? Cách chữa trị nào an toàn và hiệu quả nhất? Đừng bỏ lỡ những lưu ý quan trọng dưới đây được chia sẻ từ các bác sĩ sản khoa hàng đầu các mẹ nhé! Các nguyên nhân bà bầu bị ho khi…

Ho do dị ứng

Ho dị ứng khá phổ biến và có thể bắt gặp ở bất kỳ ai, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, ho mãn tính,… Vậy ho dị ứng là gì và cách điều trị như thế…

Ho kéo dài lâu ngày

Ho kéo dài cảnh báo dấu hiệu của bệnh gì? Ho là một phản ứng sinh lý để bảo vệ cơ thể khi có các vật lạ hoặc các dịch kích thích niêm mạc đường hô hấp. Tuy nhiên khi tình trạng ho kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và…