Ho mãn tính
Ho mạn tính là tình trạng ho kéo dài có thể mắc phải ở người lớn hoặc trẻ em, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, làm gián đoạn giấc ngủ và đôi khi gây khó chịu với mọi người xung quanh. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh ho mạn tính nhé!
1.Ho mạn tính là gì?
Ho mạn tính là tình trạng ho kéo dài trong thời gian tối thiểu là 8 tuần ở người lớn và 4 tuần ở trẻ em.
Tình trạng ho mạn tính kéo dài sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và đôi khi gây khó chịu với mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến công việc hoặc các mối quan hệ.
Các trường hợp ho mạn tính nặng sẽ gây nôn mửa, chóng mặt. Tuy nhiên, khi tìm được nguyên nhân và điều trị thích hợp có thể chữa khỏi.
Ho mạn tính là tình trạng ho kéo dài ở người lớn và trẻ em
2. Nguyên nhân
2.1. Hen phế quản
Hen phế quản làm hạn chế luồng không khí đi vào phổi gây ra khó khăn trong việc thở dẫn đến tình trạng ho kéo dài.
Có một thể bệnh khác là hen phế quản dạng ho – những bệnh nhân này thường có tiền căn gia đình hen phế quản, triệu chứng thường chỉ có ho mạn tính, sau mới tiến triển khó thở, khò khè.
Ngoài ra, các cơn hen phế quản thường đi kèm với sự viêm nhiễm và tăng tiết chất nhầy trong phế quản. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển, gây ra sự viêm nhiễm và kích thích niêm mạc phổi dẫn đến tình trạng ho mạn tính.
Hen phế quản làm hạn chế luồng không khí đi vào phổi gây ra khó khăn trong việc thở dẫn đến tình trạng ho kéo dài
2.2. Các bệnh lý trào ngược
Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng trào ngược axit từ dạ dày lên hệ thống hô hấp gây kích thích và kích ứng niêm mạc hệ thống hô hấp. Điều này có thể gây ra ho mạn tính và các triệu chứng khác như ngứa họng, hắt hơi, ho khan và khó chịu trong họng.
GERD ở bệnh nhân có hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA): Khoảng 30% bệnh nhân OSA có GERD, từ đó làm cho bệnh nhân thường xuyên ho khan. Phương pháp hỗ trợ đường thở áp lực dương giúp cải thiện tốt triệu chứng.
Trào ngược họng thanh quản (Laryngopharyngeal) là một bệnh lý của chuyên khoa Tai mũi họng, nhìn chung điều trị cũng khá tương đồng GERD.
Bệnh có thể gây viêm và tổn thương niêm mạc họng thanh quản. Khi niêm mạc bị kích thích và viêm nhiễm có xu hướng tạo ra nhiều chất nhầy để bảo vệ họng thanh quản, dẫn đến tình trạng ho mạn tính.
Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra ho mạn tính
2.3. Kích thích từ môi trường
Hút thuốc: Hút thuốc thường xuyên có thể gây ra viêm nhiễm và tắc nghẽn trong hệ thống hô hấp dẫn đến ho mạn tính.
Ô nhiễm không khí: bụi mịn, khói, hóa chất và khí độc kích thích niêm mạc phổi dẫn đến viêm nhiễm, tăng tiết chất nhầy có thể gây ho mạn tính.
Dị ứng: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc hay lông động vật cũng có thể gây ho mạn tính.
2.4. Hội chứng ho đường hô hấp trên
Hội chứng ho đường hô hấp trên là các cơ và bộ phận trong đường hô hấp trên không hoạt động đúng cách. Do đó, khi có kích thích bởi môi trường hoặc chất kích thích thì có thể gây ho.
Hội chứng ho đường hô hấp trên thường do dịch tiết xoang mũi sau, thường do viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, tiền sử dị ứng gia đình… làm chảy dịch xuống vùng vòm hầu họng kích thích gây ho.
2.5. Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong lớp mô niêm mạc của phế quản dẫn đến sưng ống phế quản và tăng sản xuất chất nhầy gây ho mạn tính không có đờm kéo dài.
Bên cạnh đó, viêm phế quản còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và có thể dẫn đến mắc một số bệnh lý về hô hấp như ho mạn tính.
Bệnh cảnh viêm phế quản phải được xét riêng thành cấp tính hoặc mạn tính.
Ho mạn tính liên quan viêm phế quản mạn được định nghĩa là đợt viêm phế quản trên 3 tháng, hầu như mỗi ngày đều ho khạc đàm liên tục hoặc viêm phế quản tái phát nhiều lần trong 2 năm liên tiếp mà không có bệnh đồng mắc gây ho.
Viêm phế quản gây ho mạn tính không có đờm kéo dài
2.6. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc chế men chuyển angiotensin (ACE), các thuốc điều trị tăng nhãn áp (latanoprost, timolol) có thể kích thích các cơ hầu họng và niêm mạc của đường hô hấp, gây ra sự co bóp và kích thích ho kéo dài.
Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim có thể gây ho mạn tính.
Nhóm chẹn kênh Canxi và biphosphonate trên lâm sàng cũng thường gây ho nhiều.
2.7. Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Vi khuẩn và vi rút: Nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút như cúm, viêm mũi, viêm xoang và viêm họng gây viêm và sưng các mô dẫn đến ho mạn tính.
Viêm mũi dị ứng: Chất nhầy từ mũi chảy xuống đường hô hấp trên, kích thích niêm mạc và gây ra ho.
2.8. Các bệnh lý đường hô hấp
Viêm phế quản mạn tính: Đây là một bệnh lý mạn tính và tiến triển dần do tổn thương và viêm nhiễm trong đường phế quản và phổi. Viêm quá mức làm họng, phế quản và phổi phải co bóp gây ra ho kéo dài.
Viêm xoang mạn tính: Đây là một bệnh lý tác động đến niêm mạc trong các xoang mũi, gây ra viêm nhiễm và tăng tiết chất nhầy. Dịch tiết này có thể chảy từ mũi xuống đường hô hấp trên, kích thích niêm mạc gây ra ho mạn tính.
Giãn phế quản: Là tình trạng chất nhầy tích tụ ở mô phổi dày gây ra tình trạng ho kéo dài.
Bệnh phổi kẽ (ILD): là tình trạng phổi bị tổn thương và viêm nhiễm dẫn đến tắc nghẽn và tiết ra dịch tiết nhiều hơn bình thường gây ra ho mạn tính.
2.9. Ung thư phổi
Ung thư phổi có thể làm viêm nhiễm và tắc nghẽn các đường phổi dẫn đến ho. Bên cạnh đó, các khối u trong phổi có thể tạo áp lực lên đường hô hấp gây ra ho mạn tính.
Nếu bệnh ung thư phổi đã được thực hiện phẫu thuật để loại bỏ một phần phổi, ho mạn tính có thể xảy ra do sự tổn thương từ quá trình phẫu thuật.
2.10. Bệnh lý khác
Suy tim, rối loạn chức năng nuốt và hít thở, cường phế vị, bệnh co thắt thanh quản, viêm ống tai ngoài có thể gây ra tình trạng ho kéo dài.
Ngoài các nguyên nhân chính gây ra ho mãn tính vẫn còn một số bệnh có nguy cơ tiềm ẩn gây nên triệu chứng ho kéo dài như bệnh xơ năng, xơ phổi vô căn…
Khói bụi, viêm đường hô hấp,… là nguyên nhân gây ra ho mạn tính
3. Dấu hiệu
Dấu hiệu của ho mạn tính, bao gồm:
- Chảy nước mũi hoặc tắc nghẽn mũi.
- Cảm giác có chất lỏng chảy từ sau cổ họng (thường gọi là chảy nước mũi sau).
- Thường xuyên bị đau họng.
- Khàn tiếng.
- Thở khò khè và khó thở.
- Cảm giác ợ nóng hoặc có vị chua trong miệng.
- Trong một số trường hợp ít gặp, ho có thể đi kèm với máu.
Chảy nước mũi thường xuyên là dấu hiệu của ho mạn tính
4. Ho mạn tính có nguy hiểm không?
Ho mạn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị triệt để. Dưới đây là một số vấn đề phổ biến có thể xảy ra:
- Gián đoạn giấc ngủ.
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nôn mửa.
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Đi tiểu không tự chủ
- Ho mạn tính có thể gây áp lực lên cơ xương sườn và dẫn đến gãy xương.
- Ngất
5. Cách chẩn đoán
Hỏi tiền sử bệnh
Để chẩn đoán ho mạn tính, bác sĩ thường sẽ lấy thông tin về tiền sử bệnh của bạn:
- Thời gian ho.
- Triệu chứng ho: có mủ khi ho, âm thanh khò khè, khàn tiếng.
- Triệu chứng khác: sốt, đau họng, khó thở, ho ra máu hay cảm giác mệt mỏi.
- Tiếp xúc các chất gây dị ứng: hóa chất, khói, phấn hoa, lông động vật.
- Tiền sử bệnh lý: viêm phổi, hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi dị ứng.
Xét nghiệm hình ảnh
- X-quang phổi: giúp nhìn thấy chi tiết hình ảnh của phổi để kiểm tra tình trạng tổn thương, viêm hoặc các bệnh lý về phổi khác.
- CT scan phổi: cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về phổi và có thể phát hiện các tổn thương, bệnh lý về phổi hoặc các vấn đề khác.
- MRI phổi: sử dụng để đánh giá chi tiết hơn về các bệnh lý ở phổi và xem xét các vùng tổn thương.
- Siêu âm màng phổi: sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của phổi giúp phát hiện các bất thường về phổi.
Chụp X-quang phổi để chẩn đoán ho mạn tính
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị nếu gặp các triệu chứng sau đây:
- Ho ra máu hoặc ho có đờm.
- Sốt.
- Sụt cân bất thường
- Khó thở.
- Khó nuốt
- Thay đổi về giọng nói.
Nơi khám chữa ho mạn tính
Hãy đến các trung tâm y tế gần nhất hoặc các khoa nội hô hấp của các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chữa trị.
7. Các phương pháp chữa bệnh ho mạn tính
Phương pháp điều trị ho mạn tính sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lên kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.
- Thuốc thông mũi: để giảm chảy nước mũi sau.
- Thuốc xịt mũi: để giảm hắt hơi, sổ mũi và các triệu chứng dị ứng khác.
- Thuốc kháng sinh: để điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi do vi khuẩn, viêm xoang hoặc viêm phế quản.
- Thay đổi loại thuốc: bạn không nên ngưng sử dụng thuốc mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Tránh một số thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ để giảm nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày tá tràng.(GERD). [2]
Sử dụng thuốc để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp
8. Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa tình trạng ho mạn tính bạn nên thực hiện một số phương pháp sau:
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm giúp làm loãng chất nhầy.
- Sử dụng viên ngậm trị ho.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nếu bị trào ngược dạ dày tá tràng thì hạn chế ăn quá nhiều và tránh ăn trong vòng 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Giảm cân cũng có thể giúp giảm triệu chứng ho nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.
- Tăng độ ẩm không khí bằng cách bật máy tạo độ ẩm hoặc tắm nước nóng.
- Sử dụng nước muối xịt mũi hoặc dụng cụ rửa mũi giúp làm loãng chất nhầy và giảm triệu chứng ho.
- Không hút thuốc lá.
Uống nhiều nước để làm loãng đờm giúp ngăn ngừa ho mạn tính