Ho do dị ứng
Ho dị ứng khá phổ biến và có thể bắt gặp ở bất kỳ ai, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, ho mãn tính,… Vậy ho dị ứng là gì và cách điều trị như thế nào?
1. Thế nào là ho dị ứng?
Khi niêm mạc họng bị kích ứng do các yếu tố lạ từ bên ngoài như nhiệt độ, thời tiết, đồ ăn, lông động vật, phấn hoa,… thì có thể sẽ gây nên tình trạng ho dị ứng. Người bị ho dị ứng thường có những triệu chứng sau đây:
-
Khi tiếp xúc với các yếu tố kể trên thì sẽ bị ngứa mũi, hắt xì, thậm chí chị ngứa họng và ho thành từng cơn. Nếu ho lâu sẽ khiến cho cổ họng bị đau rát.
-
Ho có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Khi tiến hành xét nghiệm thì không thấy bạch cầu tăng.
-
Thời điểm trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy rất dễ bị ho.
2. Tại sao lại bị ho dị ứng?
Như đã đề cập ở trên, ho dị ứng thường xảy ra khi chúng ta hít phải hoặc tiếp xúc với các chất lạ và cơ thể phản ứng lại với những chất đó thông qua việc phản ứng ho để đẩy các tác nhân ra ngoài cơ thể. Dưới đây là một số những yếu tố gây nên tình trạng ho dị ứng ở người bệnh:
2.1. Ho do dị ứng thời tiết
Thời điểm thời tiết giao mùa nhiệt độ thay đổi khiến nhiều người chưa kịp thích ứng cũng rất dễ bị ho. Đặc biệt đối với những ai cổ họng vốn nhạy cảm với môi trường sống, thường thì những cơn ho sẽ bắt đầu với cơn ho khan và ngứa rát cổ họng.
2.2. Dị ứng với nấm mốc, bụi bẩn
Khi chúng ta sinh sống hoặc tiếp xúc với những nơi bụi bẩn hay ẩm ướt lâu ngày, những vi khuẩn từ bụi bẩn và nấm mốc có thể len lỏi qua đường hô hấp gây ra tình trạng dị ứng. Đối với trường hợp dị ứng do nấm mốc, bụi bẩn, người bệnh thường có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, ho, hen suyễn, mắt bị kích ứng.
Bụi bẩn, nấm mốc cũng là tác nhân gây dị ứng đường hô hấp
2.3. Hít phải phấn hoa
Trên thực tế chắc hẳn mọi người cũng gặp nhiều trường hợp có người đặc biệt bị dị ứng với hương nước hoa hoặc phấn hoa. Với kết cấu vô cùng nhỏ bé, phấn hoa có thể bay lơ lửng trong không trung và phát tán rộng. Nếu chúng ta hít phải, phấn hoa sẽ bám vào lớp niêm mạc mũi gây nên hiện tượng ngứa ngáy, cơ thể hình thành cơ chế hắt hơi để đẩy chúng ra ngoài. Khi phấn hoa bay qua cổ họng thì có thể dẫn đến hiện tượng ho dị ứng, ho lâu sẽ khiến chảy nước mắt, đau họng.
Với kích cỡ nhỏ và khả năng bay lơ lửng trong không khí, phấn hoa rất dễ xâm nhập vào cơ thể và gây nên phản ứng ho dị ứng
2.4. Dị ứng do lông thú cưng
Hiện nay có rất nhiều gia đình ưa chuộng việc nuôi thú cưng như chó, mèo, hamster,… và thậm chí còn cho thú nuôi sống chung trong nhà với người. Tuy nhiên có nhiều người bị mẫn cảm với lông thú do chúng rất dễ bám dính vào đồ vật trong nhà, quần áo, sofa, thảm,… và khi họ hít phải chúng sẽ bị ho dị ứng. Cũng giống như phấn hoa, lông thú không chỉ đậu vào đồ vật mà còn có khả năng bay lơ lửng trong không khí nên việc ở cùng thú cưng cũng là một trong các nguyên nhân gây nên biểu hiện ho dị ứng ở người.
Lông thú có khả năng bay lơ lửng trong không khí có thể gây nên biểu hiện ho dị ứng ở người
3. Phòng tránh và điều trị bệnh ho dị ứng như thế nào?
Ho dị ứng không phải là một bệnh nan y hay mạn tính khó chữa. Tuy nhiên nếu xem nhẹ và không điều trị kịp thời thì sẽ khiến bệnh diễn tiến nặng và gây bất lợi cho sinh hoạt hàng ngày. Các phương pháp dưới đây có thể giúp bạn và gia đình tránh xa căn bệnh phiền toái này:
-
Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh;
-
Chăm chỉ tập luyện thể dục, thể thao, uống nước đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch;
-
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, khi dọn nhà hoặc đến những nơi chứa nhiều bụi bẩn, nấm mốc,…
-
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin C, không ăn thức ăn dễ gây dị ứng hoặc đã từng khiến mình bị dị ứng trước đó, thức ăn ôi thiu,…
3.1. Điều trị ho dị ứng bằng thuốc
-
Sử dụng thuốc giảm ho: những thuốc này có thể giúp hạn chế, giảm thiểu đáng kể các cơn ho cho người bệnh.
-
Thuốc long đờm: đối với trường hợp ho có đờm thì cần sử dụng thuốc long đờm để cổ họng không bị khó chịu bởi chất nhầy này. Khi sử dụng thuốc đờm sẽ loãng dần và giảm hẳn.
-
Thuốc kháng histamin: sử dụng thuốc kháng histamin cho những người bệnh vốn có cơ địa dị ứng, hoặc đã có tiền sử dị ứng để có tác dụng làm dịu cơn ho.
Đặc biệt những thuốc trên cần được kê theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý đi mua thuốc và tự kê liều lượng cho mình.
3.2. Những mẹo dân gian có thể áp dụng để trị ho dị ứng
-
Ngậm chanh muối: bạn có thể thái lát quả chanh và ngâm với một chút muối, sau đó ngậm trong miệng sẽ giúp làm giảm cơn ho. Hoặc bạn có thể pha nước ấm kết hợp giữa chanh và mật ong hoặc đường cũng có tác dụng.
-
Gừng: đun sôi tầm 10 lát gừng tươi với 3 ly nước trong khoảng 20 phút, cho thêm một chút chanh hoặc mật ong để uống giúp giảm ho đáng kể.
-
Mật ong: Mật ong có tác dụng kháng viêm, giảm đau họng và rất hữu hiệu trong việc làm giảm ho dị ứng. Bạn có thể trộn mật ong với một ít nước chanh để ngậm.
Mật ong có tác dụng rất hữu hiệu trong việc giảm ho
-
Lá xương sông: xương sông không chỉ có tác dụng điều trị ho mà còn rất tốt trong việc chữa khản tiếng do viêm thanh quản. cách sử dụng khá đơn giản: bạn rửa sạch, thái nhỏ và trộn với đường, cũng có thể kết hợp với lá hẹ và sau đó hấp cách thuỷ, để nguội, dùng trong ngày giúp chữa ho rất tốt.
Xương sông có tác dụng tốt trong điều trị ho
Bài viết đã cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh ho dị ứng để bạn và gia đình có thể nắm bắt và có phương án xử lý nếu không may bị mắc ho dị ứng. Những phương pháp điều trị trên có thể có tác dụng đối với một số trường hợp đáp ứng tốt, thể trạng cơ thể khỏe mạnh hoặc mới bị dị ứng ở thể nhẹ. Còn đối với những người sử dụng các biện pháp dân gian không khỏi thì nên đến thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh để lâu ngày ho dị ứng sẽ gây nên các bệnh nặng hơn về đường hô hấp.