Ho có đờm
Ho có đờm là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau ở trẻ em cũng như người lớn. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân mệt mỏi và khó chịu. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số cách trị ho có đờm tại nhà hiệu quả.
1. Nguyên nhân ho có đờm
Ho là phản xạ của cơ thể, đây là một phản xạ có lợi nhằm tống đẩy dịch tiết, dị vật bên trong họng, phế nang ra ngoài. Bình thường, cấu tạo của đường hô hấp luôn có một lớp nhầy ở bề mặt niêm mạc nhằm bảo vệ, ngăn cản dị vật bên ngoài vào. Tuy nhiên, khi cơ thể bị nhiễm virus, cảm lạnh, hay xảy ra các bất thường khác, lớp nhầy này sẽ tiết ra nhiều hơn và đặc quánh dần tạo thành đờm. Ngoài ra, đờm còn được tạo thành từ các thành phần khác như: mủ, vi khuẩn, bạch cầu, bụi bẩn,… Như vậy, ho có đờm là tình trạng các dịch tiết làm cản trở đường hô hấp khiến cơ thể phải phản xạ bằng cách ho để tống chúng ra ngoài.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho có đờm ở cả trẻ em và người lớn:
- Viêm đường hô hấp trên: cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang,…
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Hen phế quản
- Giãn phế quản
- Lao phổi
- Trào ngược dạ dày – thực quản
- Dị ứng: phấn hoa, lông súc vật,…
- Ô nhiễm môi trường, khói bụi, thuốc lá,…
- Các bệnh phổi khác: bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính, bệnh lý ác tính ở phổi,…
2. Sử dụng thuốc là cách trị ho đờm tại nhà cho người lớn
Để điều trị ho có đờm hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là xác định nguyên nhân để có hướng điều trị thích hợp. Ví dụ, đối với các trường hợp được xác định nhiễm khuẩn hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh trong phác đồ điều trị mới đạt được hiệu quả thực sự và giảm nhanh triệu chứng bệnh.
Tùy tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc về việc điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế hay tại nhà. Bên cạnh các loại thuốc điều trị đặc hiệu, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc điều trị triệu chứng ho có đờm như:
- Thuốc giảm ho
- Thuốc long đờm
- Thuốc giảm đau họng
- Kẹo ngậm giảm ho
3. Một số cách trị ho đờm tại nhà cho người lớn và trẻ em
Khi xuất hiện triệu chứng ho có đờm, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, nhất là khi tình trạng này kéo dài. Khi được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà, bệnh nhân có thể tham khảo một số cách trị ho có đờm tại nhà đơn giản, hiệu quả dưới đây.
3.1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Bổ sung đủ nước cho cơ thể là một trong những cách trị ho có đờm ở trẻ nhỏ cũng như người lớn, bởi vì nước làm loãng dịch tiết, từ đó giúp cơ thể dễ tống đờm ra ngoài thông qua phản xạ ho. Nên uống nước ấm thay vì nước lạnh, đồng thời bổ sung thêm các loại nước trái cây để cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Mặt khác, cần giữ độ ẩm trong không khí, tránh tiếp xúc với không khí quá khô vì có thể khiến tình trạng đau họng, ho có đờm trở nên nặng nề hơn. Có thể sử dụng máy phun sương tạo ẩm để làm ẩm không khí cả ngày.
3.2. Súc miệng bằng nước muối sinh lý
Nước muối không chỉ có tác dụng sát khuẩn mà còn làm dịu cảm giác ngứa cổ, rát họng, hỗ trợ tiêu đờm hiệu quả. Vì vậy, súc miệng bằng nước muối có ý nghĩa lớn trong việc điều trị triệu chứng ho có đờm.
Bệnh nhân có thể sử dụng các sản phẩm nước muối sinh lý súc miệng lưu hành trên thị trường hoặc tự pha bằng cách sử dụng 1⁄4-1⁄2 thìa cà phê muối hòa với 250ml nước ấm, súc miệng 3-4 lần/ngày.
3.3. Sử dụng chanh hỗ trợ giảm ho có đờm
Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao, được biết đến như một cách trị đau họng ho có đờm tại nhà hữu hiệu và tăng cường đề kháng cho cơ thể. Để làm dịu cổ họng và cải thiện tình trạng ho có đờm, có thể thái chanh thành lát mỏng và trộn với muối, ngậm hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể pha nước chanh cùng với mật ong cũng đem lại hiệu quả tốt.
3.4. Trị ho bằng mật ong
Theo Đông Y, mật ong có tác dụng kháng khuẩn, giảm kích ứng cổ họng. Trà mật ong, nước chanh mật ong, hay mật ong chanh đào đều là những phương thức trị ho có đờm tại nhà hiệu quả.
3.5. Sử dụng gừng trong điều trị ho có đờm tại nhà
Không chỉ là một loại gia vị quen thuộc trong các bữa ăn, gừng còn có tác dụng thông mũi, giảm đau rát họng, loãng đờm, giảm ho nhờ đặc tính ấm nóng, sát khuẩn, kháng viêm. Vì vậy, có thể bổ sung gừng vào các món ăn hàng ngày để cải thiện tình trạng ho có đờm. Ngoài ra, cũng có thể pha trà gừng mật ong để đạt được hiệu quả cao hơn.
3.6. Tinh dầu khuynh diệp trị đau họng, ho có đờm
Sử dụng tinh dầu khuynh diệp là một trong những cách trị đau họng ho có đờm tại nhà đem lại hiệu quả cao. Xông tinh dầu khuynh diệp giúp làm dịu cơn ho và loãng đờm để bài tiết dễ dàng hơn.
3.7. Sử dụng bạc hà để giảm ho có đờm
Bạc hà chứa hoạt chất menthol, giúp thông mũi, dịu cổ họng và hỗ trợ trị ho. Xông hơi với tinh dầu bạc hà là một cách trị ho có đờm tại nhà hiệu quả. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý khi xông hơi với bất kỳ loại tinh dầu nào là không được để mặt quá gần để tránh bị bỏng.
3.8. Trị ho có đờm bằng lá hẹ
Hẹ là một loại gia vị trong chế biến thức ăn. Không chỉ vậy, lá hẹ còn được sử dụng để trị ho có đờm ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Cách trị ho có đờm cho bé tại nhà bằng lá hẹ như sau:
- Rửa sạch 6-9 lá hẹ, cho vào chén cùng với một ít đường phèn.
- Hấp cách thủy hỗn hợp hẹ và đường phèn trong khoảng 15 – 20 phút.
- Chắt lấy nước.
- Cho bé uống mỗi lần 2-3 thìa cà phê, 2 lần mỗi ngày.
Đối với người lớn, cũng thực hiện tương tự để trị ho bằng lá hẹ hiệu quả.
3.9. Rau diếp cá trị ho có đờm
Theo Y học cổ truyền, diếp cá có tính mát và có khả năng tiêu đờm, giải độc. Để giảm ho có đờm, có thể chế biến rau diếp cá và sử dụng trọng 2-3 ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.
3.10. Cách trị ho có đờm ở trẻ nhỏ bằng củ nén (hành tăm)
Củ nén (hành tăm) chứa nhiều tinh dầu và các loại vitamin giúp kiện tỳ, hỗ trợ tiêu hóa, sát trùng đường hô hấp. Có thể sử dụng củ nén như một cách trị ho có đờm cho bé tại nhà bằng cách hấp cách thủy củ nén, mật ong và đường phèn, sau đó cho trẻ uống mỗi lần 1 thìa cà phê hỗn hợp này, mỗi ngày uống 3-4 lần.
3.11. Trị ho tại nhà với cam thảo
Cam thảo có tác dụng giảm ho, đau cổ rát họng, thường được Đông Y sử dụng trong điều trị các bệnh lý về đường hô hấp. Có thể dùng một ít cam thảo nấu với nửa lít nước và uống hàng ngày để giảm ho nhanh chóng.
3.12. Trà hoa cúc hỗ trợ trị ho
Bên cạnh tác dụng thư giãn tinh thần, trà hoa cúc còn được dùng để trị ho cho người lớn tại nhà. Có thể thêm một ít mật ong, chanh, gừng vào trà hoa cúc để tăng hiệu quả trị ho.
3.13. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Bên cạnh các bài thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng ho có đờm, bệnh nhân cần kết hợp một chế độ sinh hoạt lành mạnh để cải thiện triệu chứng nhanh chóng:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Tăng cường thể dục thể thao.
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như khói bụi, phấn hoa,…
Trên đây là một số cách trị đau họng ho có đờm tại nhà, hy vọng bạn sẽ áp dụng các biện pháp này thành công.